Đi dạo một vòng quanh thành phố hiện đại, không khó để ta phát hiện ra những cấu trúc phá vỡ nhịp điệu của các công trình kiến trúc hoàn thiện. Những tòa nhà được bao bọc bên trong các lưới với khung kim loại hoặc gỗ, đây là những tòa nhà đang trong thời gian xây dựng, sửa chữa, cải tạo hoặc phá dỡ. Lưới và khung bao quanh được gọi là hệ thống giàn giáo, một cấu trúc tạm thời nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng hoặc bảo trì các tòa nhà. Giàn giáo cũng có “ngôn ngữ kiến trúc” của riêng chúng.
Vì quá trình xây dựng thành phố là một quá trình liên tục, nên giàn giáo đóng vai trò như đèn hiệu, giúp ta ước lượng được chiều cao, hình dạng hoặc hình thức của các tòa nhà mới. Hệ thống giàn giáo như tấm màn che hoặc vật cản đối với luồng giao thông và dòng người hỗn loạn bên ngoài. Trái ngược với sự trường tồn của các công trình kiến trúc, giàn giáo thể hiện cảm giác về thời gian, sự phát triển của các khu dân cư và thành phố.
Giàn giáo thường được dựng bao quanh các tòa nhà đang thi công
Giàn giáo là một khía cạnh xây dựng thiết yếu trong các thành phố. Mặc dù hiện nay có nhiều luật và hướng dẫn sử dụng trong các bối cảnh khác nhau, nhưng bản chất đơn giản, rẻ và tính tạm thời khiến giàn giáo trở thành một phần không thể tách rời trong quá trình tạo dựng công trình. Thông qua việc sử dụng thường xuyên trong kiến trúc, giàn giáo đã phát triển một ngôn ngữ mô đun, vật chất, biểu hiện cấu trúc và tương tác với cơ sở hạ tầng công cộng khiến chúng trở nên khác biệt trong cảnh quan đô thị. Ngoài diện mạo trực quan và mục đích xây dựng chính, chúng còn có thể cung cấp các chức năng đô thị như nơi trú ẩn, hỗ trợ tìm đường và nguồn cảm hứng cho các cấu trúc phụ trợ. Trong bài báo “Loại bỏ Giàn giáo Kiến trúc”, Christopher Alker nhấn mạnh tại một thành phố đông đúc như New York, số lượng giàn giáo khổng lồ có thể giúp mọi người di chuyển xung quanh bất chấp điều kiện thời tiết và đóng vai trò là nơi trú ẩn tạm thời trên đường phố.
Green- Orange Cocoon, Hong Kong 2013
Về mặt lịch sử, giàn giáo có từ thời kỳ đồ đá ở phía tây nam nước Pháp, nơi nó được sử dụng làm cấu trúc hỗ trợ cho các bức tranh hang động. Giàn giáo cũng có vai trò như một cấu trúc mặt tiền cố định trong Nhà thờ Hồi giáo Lớn Djenné ở Mali trong thế kỷ 13. Theo thời gian, các vật liệu khác nhau đã được sử dụng cho giàn giáo và chúng thay đổi trong các bối cảnh khác nhau, điều này đã dẫn đến sự phát triển của các ngôn ngữ thẩm mỹ độc đáo.
Giàn giáo tre được dựng xung quanh một toà nhà thương mại đang xây dựng ở Hong Kong
Khung giàn giáo ghép từ gỗ và que tre phổ biến hơn ở Tây Phi do chúng có sẵn ở địa phương và giá thành rẻ. Khung trụ tròn bằng kim loại được ưa chuộng hơn ở Châu Âu vì tính mô đun và độ ổn định về cấu trúc. Trong khi đó, mê trận giàn giáo bằng tre đã phát triển như một loại hình nghệ thuật văn hóa ở Trung Quốc, phương pháp đan các thanh tre cổ xưa với chiều cao phù hợp với các tòa nhà cao tầng. Cùng với lưới giàn giáo, chúng được nhiếp ảnh gia Steinhauer, người đã biên soạn một danh mục trực quan về giàn giáo ở Hồng Kông, có tên “Cocoons” mô tả chúng là “những ‘kiện hàng’ khổng lồ, màu sắc, giữa khung cảnh đơn sắc của thành phố”.
Những tòa cao ốc được “bao bọc” bằng giàn giáo, Cocoons, 2009
Khi mọi người liên tục tương tác với giàn giáo ở các thành phố, họ cũng truyền đạt nhiều câu chuyện khác nhau về sự phát triển của các thành phố đó. Trong những năm gần đây, London đã chứng kiến nhiều giàn giáo xung quanh các địa danh lịch sử và các tòa nhà văn hóa. Điều này nói lên những nỗ lực đổi mới sâu rộng của thành phố nhằm cứu các tòa nhà văn hóa khỏi bị phá hủy và bảo tồn nét đặc sắc của thành phố.
Tuy nhiên, giàn giáo cũng có thể cho thấy sự bỏ bê của một tòa nhà cần sửa chữa. Đôi khi, giàn giáo ban đầu được sử dụng như một công cụ hỗ trợ tạm thời để bảo trì, nhưng chúng có thể phát triển để trở thành một giải pháp lâu dài và là một phần cố định của kiến trúc thành phố. Trong những trường hợp này, giàn giáo có thể gây bất tiện lớn cho khả năng đi lại và che khuất tính thẩm mỹ thị giác của kết cấu thành phố. Những chiếc lán vỉa hè từ lâu đã là một yếu tố kiến trúc phổ biến ở New York, xuất phát từ nhu cầu dùng hệ thống giàn giáo mở rộng ra đường phố. Do các đạo luật ở Thành phố New York yêu cầu bảo trì mặt tiền các tòa nhà cao tầng 5 năm một lần, các loại lán vỉa hè đã trở thành cấu trúc giàn giáo vĩnh viễn trên khắp thành phố, che khuất tầm nhìn từ đường phố, tạo ra điểm nhấn hình ảnh mới.
Toà nhà tư nhân đang trong quá trình xây dựng ở UK
Giàn giáo thể hiện nhiều đặc điểm kiến trúc, các nhà thiết kế sử dụng chúng như một yếu tố xây dựng theo cách riêng của họ. Hệ thống giàn giáo có tính mô đun, khả năng mở rộng và tính linh hoạt trong cách ứng dụng (chẳng hạn như gian hàng, triển lãm, không gian nội thất và phần mở rộng của tòa nhà), sử dụng các vật liệu khác nhau.
Một ví dụ nổi bật là cầu thang đô thị hoành tráng MVRDV ở Rotterdam. Đó là một cấu trúc giàn giáo tạm thời, bao gồm 180 bậc, cao 29 mét và dài 57 mét, nhằm kỷ niệm 75 năm tái thiết thành phố sau thảm họa. Giống như nhiều dự án khác, không khó để nhận ra bản chất độc đáo của giàn giáo và vai trò của nó trong “quá trình phát triển liên tục” là thành phố. Tính thẩm mỹ, vật liệu, hoa văn, sự bất tiện và những đóng góp cho thành phố đều là một phần tạo nên đặc điểm và giá trị độc đáo của giàn giáo.
Các toà nhà được bao quanh bởi giàn giáo tại trung tâm London
Giàn giáo cho phép những “phù thủy” kiến trúc tạo ra các cấu trúc tạm thời vững chắc một cách nhanh chóng, linh hoạt. Giàn giáo đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong kiến trúc hiện đại.