Công trình Hyperlane Linear Sky Park/ ASPECT Studios. Photo: Bing Lu
Vượt ra ngoài các đặc tính trang trí, cảnh quan mang theo các vấn đề về sinh học và văn hóa cần được giải quyết trong các dự án. Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta có thể thấy trong các khu vườn công cộng, khu dân cư, chung cư hay kinh doanh, thương mại là một loạt các cách tiếp cận theo kiểu tách biệt cảnh quan với các thuộc tính của nó, khiến nó trở thành một lớp trang trí trong công trình. Sau đây là các chiến lược được đưa ra để tránh các vấn đề chính của thiết kế cảnh quan, kết hợp tính thẩm mỹ với những triển vọng về môi trường và văn hóa.
Theo Ricardo Cardim trong quyển sách ‘Sustainable Landscaping for Brazil’ (tạm dịch: Cảnh quan bền vững cho Brazil) thì “cảnh quan thường thấy ở Brazil đương đại nói chung không có mối quan tâm lớn về công năng và môi trường”. Ông cũng nói rằng trong lĩnh vực cảnh quan, bao gồm trong các dự án và việc bán cây cảnh trang trí, đang chạy theo xu hướng nhất thời dẫn đến việc “các khu vườn mất kết nối với thực tế tự nhiên, văn hóa và đô thị bản địa, cung cấp các dịch vụ hạn chế về hệ sinh thái và ít khả năng sử dụng của con người”. Do đó, những khu vườn dù là vườn công cộng hay vườn tư nhân, mà hình ảnh của nó được kết nối với ý nghĩ về một nơi ẩn náu giữa đời sống thường nhật, một nơi để nghỉ ngơi, một nơi luôn được ưa thích và lành mạnh, lại thường không được mọi người chú ý đến hoặc trở thành một ‘hình ảnh được đánh giá cao’ thay vì là một không gian mà mọi người có thể sinh sống cùng với nó.
Công viên Sóller/ BARRIO PERAIRE Arquitectes. Photo: Adrià Goula
Khu vườn được quy hoạch và thiết kế cần được kết nối ở nhiều quy mô khác nhau. Đầu tiên, những khu vườn có tiềm năng để trở thành một không gian có các dịch vụ hệ sinh thái, đó là những lợi ích thu được từ hệ sinh thái tạo ra hạnh phúc cho con người, thứ mà vốn đã bị suy thoái do quá trình đô thị hóa đương thời. Một khu vườn có thể kết nối với hệ động-thực vật địa phương, đáp ứng với quần xã sinh vật tự nhiên của nó, mang lại lợi ích cho cả môi trường xung quanh và người sử dụng. Ngoài ra các khu vườn cũng là cơ hội để trải nghiệm tự nhiên địa phương, tìm hiểu về mùa, khí hậu, thời tiết, quần thể động vật và thực vật, thiết lập lại sợi dây liên kết giữa con người và tự nhiên đã bị mất đi trong môi trường đô thị. Cuối cùng, các khu vườn là một không gian cho con người, thúc đẩy các hoạt động giải trí và chăm sóc bản thân, mang lại những ích lợi đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của xã hội.
Tuy nhiên, có một số chiến lược thiết kế cần được vạch ra để khu vườn có thể đạt được hết tiềm năng của nó. Sau đây là 4 vấn đề trong thiết kế cảnh quan cần lưu ý được Cardim đề cập trong quyển sách của mình:
Hệ thực vật bản địa của mỗi khu vực là kết quả của hàng ngàn năm tiến hóa của Trái Đất, đáp ứng theo địa hình, khí hậu, độ ẩm, tính thời vụ và nhiều khía cạnh tự nhiên khác. Tuy nhiên các dự án cảnh quan thường đi ngược lại những nghiên cứu về môi trường tự nhiên và các loài nguyên thủy của từng quần xã sinh vật, hay mua các loài có sẵn trên thị trường mà không suy xét nó có phù hợp với khu vực hay không, việc này dẫn đến các dự án thiếu gắn kết với phong cảnh tự nhiên của địa phương. Các khu vườn thường bị mất kết nối với hệ thực vật bản địa, kết hợp thực vật từ các quần xã sinh vật rất khác biệt, thời tiết và các vùng khác nhau trên hành tinh, ngay cả trường hợp rất khó nhận ra sự khác biệt như “vườn nhiệt đới”, từ mật độ và sự đa dạng, cuối cùng phải sử dụng các loài xâm lấn từ các khu vực có các đặc điểm tương tự. Tính thẩm mỹ không được chồng chéo với các nhu cầu và định nghĩa sinh học.
Vùng đất tự nhiên Bobrowisko ở Ba Lan/ 55Architekci. Photo: Kamil Bánkowski
Thử hình dung về một khu vườn với các cây cọ được trồng cùng với các loại cây có đặc điểm tương tự và các cây bụi khác.Việc đó tạo nên những sự khô cằn, không có đa dạng sinh học và hầu như không có vai trò sinh thái. Vì vậy cảnh quan cần được kết hợp từ nhiều loại thực vật với các đặc tính khác nhau.
Theo Ricardo Cardim, lĩnh vực cảnh quan tái sản xuất các bố cục cảnh quan khắp thế giới dựa trên sự lặp lại của 15 giống loài từ thị trường cây cảnh toàn cầu, dẫn đến việc toàn bộ các khu vực lân cận có cảnh quan liên tục và đơn điệu. Sự đồng nhất hóa hệ thực vật đô thị tạo ra các vùng được xem như “các sa mạc xanh” (green deserts), mà trong đó các loài xâm lấn tác động đến môi trường tự nhiên, gây ra thiệt hại về môi trường và cả bản sắc văn hóa.
Jardim Paulistano Penthouse/ Gabriella Ornaghi Arquitetura da Paisagem. Photo: Rodrigo Bordigoni
Các công viên công cộng được bố trí tại các địa điểm thích hợp trong thành phố, trong các khu đô thị hay các công trình cao tầng. Ở đó có những khu vườn có mật độ thấp với toàn bộ bề mặt rải đá và sỏi, tạo điều kiện cho việc bảo trì và hầu như không có sự can thiệp nào vào công trình.
Cách làm này thực hiện dựa trên việc hiểu được nhu cầu và các đặc điểm tự nhiên dựa trên sự phù hợp cho loại không gian, cân nhắc không chỉ về cảnh quan mà còn cả cách sử dụng. Điều tương tự cũng xảy ra với việc sử dụng các chiến lược xeriscaping, một phương pháp nhằm giảm lượng nước tiêu thụ của khu vườn được thiết kế. Cả hai điều trên đều bắt đầu từ những nơi khô hạn với lượng nắng thấp, đây cũng là lý do cho những chiến lược này, trong khi ở vùng nhiệt đới, nơi có lượng mưa trung bình và số giờ nắng cao hơn, không cần thiết phải áp dụng các giải pháp tương tự. Điều này có thể dẫn đến hậu quả đẩy con người ra xa hay ngăn cản họ tận hưởng cảnh quan sân vườn.
Azatlyk, Quảng trường trung tâm Naberezhnye Chelny/ DROM. Photo: Evgeny Evgrafov
Cảnh quan đương đại thường được dựa trên những chiến lược nhằm tìm cách tái tạo những ấn tượng về những hình dung trong quá khứ, chẳng hạn như sử dụng các loài có màu sắc bão hòa, hay thậm chí là các kỹ thuật tạo hình, tức là cắt tỉa cây và bụi rậm để tạo ra các hình dạng hình học hay các con vật. Hai chiến lược này gợi đến các khu vườn quý tộc châu Âu, đặc biệt là các khu vườn ở Pháp, và thường được liên hệ đến sự giàu có và tính quyền lực.
Cũng tương tư, một chiến lược khác là tái tạo các khu vườn theo chủ đề lấy cảm hứng từ các nền văn hóa khác. Tất cả các chiến lược mang tính trang trí này sử dụng chủ yếu là các loài không phải loài bản địa.
Landscaping Restaurant Origin 75/ Alexandre Furcolin Paisagismo. Photo: Evelyn Muller
Vì vậy, cảnh quan vô cùng quan trọng trong một dự án và sự phát triển của vùng. Việc nghiên cứu các loài có thể được thêm vào, ưu tiên cho các loài tự nhiên, có một cái nhìn phản biện vào thị trường cây cảnh trang trí và cuối cùng, sự nhìn nhận đúng của các bên là những hành động cần thiết để thiết kế những khu vườn có thể sử dụng chứ không đơn thuần chỉ để ngắm nhìn.